Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Nhà ở thương mại cạnh tranh khốc liệt với nhà ở xã hội


 Cuộc cạnh tranh giữa nhà ở thương mại và nhà ở XH bắt đầu vào giai đoạn khốc liệt

Trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn, lợi thế của nhà ở xã hội dần trở nên yếu thế, khi mà nhiều dự án thương mại đã bắt đầu đưa ra những ưu đãi gần như ngang bằng với nhà ở xã hội. Và như thế, người mua nhà đang được hưởng lợi.
Sau khi chia nhỏ căn hộ to thành những căn hộ nhỏ có diện tích từ 50-70 m2, ngay lập tức các căn hộ của một dự án thương mại đã được rơi vào nhóm vay ưu đãi của gói 30.000 tỷ của Ngân hàng Nhà nước. Người mua nhà cũng được vay lãi suất ưu đãi 6%/năm trong 10 năm giống như ưu đãi của nhà ở xã hội. Vấn đề chỉ còn là sự so sánh về giá cả.

Chị Tiên, một người mua nhà cho biết, chị sẽ quyết định mua nhà ở dự án thương mại chứ không chọn mua nhà ở xã hội. Nguyên nhân do giá bán tại nhiều dự án thương mại cũng chỉ ngang bằng giá bán tại các dự án nhà ở xã hội trong khu vực. Thậm chí còn ưu thế hơn là đã xây xong phần thô, chuẩn bị bàn giao trong khi các dự án nhà ở xã hội mới bắt đầu khởi công.

Đó là chưa kể, một số dự án thương mại còn đưa ra cam kết, chấp nhận chịu phạt 20% giá trị hợp đồng lên tới cả trăm triệu đồng tiền phạt nếu chủ đầu tư chậm tiến độ. Điều này càng khiến chị cảm thấy nhà ở thương mại đang hấp dẫn hơn nhà ở xã hội.

Với nhiều người, việc không được chuyển nhượng trong vòng 5 năm, không được tự chọn căn, tầng, hướng theo tuổi cộng với tâm lý nhà ở xã hội là loại nhà chất lượng thấp lại càng khiến lợi thế nhà ở xã hội bị đuối hơn so với nhà ở thương mại. Nhất là khi giá nhà ở xã hội lại không hề rẻ hơn nhà ở thương mại.

Bà Phạm Nguyệt Nga, đại diện một doanh nghiệp BĐS thừa nhận, cuộc chiến cạnh tranh giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội đang đi vào giai đoạn khốc liệt. Sức ép về giải phóng hàng tồn kho đang rất lớn cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, để đưa ra những chính sách ưu đãi ngang ngửa với các dự án nhà ở xã hội, nhiều dự án nhà ở thương mại đã phải chấp nhận không có lợi nhuận, thậm chí lỗ để bán hàng. Nhưng cũng phải thừa nhận trong cuộc cạnh tranh này, người mua nhà đang được hưởng lợi.

Bà Phạm Nguyệt Nga cho rằng: “Giá của các căn hộ thương mại đang đưa ra rất sát với giá nhà ở xã hội. Điều này khiến thị trường có sự cạnh tranh lớn đối với nhà ở xã hội. Điểm mạnh của căn hộ thương mại là được quyền chuyển đổi luôn trong khi nhà ở xã hội phải mất 5 năm chuyển đổi”.

Do áp lực giải phóng hàng tồn kho trên thị trường BĐS, nhiều dự nhà ở thương mại đã đưa ra mức giá bán ngang với mức giá nhà ở xã hội. Nhiều dự án nhà ở xã hội đã phải yêu cầu khách hàng phải đặt cọc khi đăng ký mua vì sợ khách hàng bỏ mua chạy sang phân khúc nhà ở thương mại.

Tác giả: Tuyết Mai

Khách hàng AZ Vân Canh tự quản lý dòng tiền

Đại diện CTCP Bất động sản AZ (AZ Land) cho biết, chủ đầu tư đồng ý với kiến nghị, khách hàng Dự án AZ Vân Canh được quản lý dòng tiền.


Vấn đề hiện nay là khách hàng, ngân hàng, nhà thầu và chủ đầu tư phải thỏa thuận cơ chế quản lý dòng tiền.
 
Theo ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT AZ Land cho biết, cơ chế quản lý dòng tiền tại Dự án AZ Vân Canh sẽ tương tự mô hình quản lý dòng tiền tại Dự án Usilk City (quận Hà Đông) của CTCP Sông Đà Thăng Long.

Theo đó, khách hàng sẽ lập một tài khoản riêng và tự quản lý dòng tiền. Tiến độ giải ngân sẽ được thực hiện theo tháng hoặc theo quý. Tiền trong tài khoản cá nhân của khách hàng chỉ bị khấu trừ một khi tiến độ dự án được đơn vị thi công triển khai và nghiệm thu theo đúng thỏa thuận.
 
Mặc dù chấp nhận phương án để khách hàng quản lý dòng tiền theo yêu cầu của nhà đầu tư, nhưng đại diện AZ Land cho biết thêm, việc quản lý dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục được đại diện các bên thỏa thuận các điều khoản cụ thể vào đầu tuần này.

Chuyển 6.000 căn hộ sang nhà ở xã hội

Chung cư Thái Bình Plaza (được chuyển thành bệnh viện đa khoa quốc tế 500 giường.

Sáng 29/10, ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã làm việc với UBND TP.HCM. 
Theo sở Xây dựng TP.HCM, sau nghị quyết 02, có rất nhiều dự án nhà ở thương mại đăng ký xin chuyển sang nhà ở xã hội, tuy nhiên, đến nay, thành phố đã phê duyệt ba dự án với số lượng hơn 6.000 căn hộ được chuyển đổi. 

Ngoài ra, TP.HCM đã đồng ý cho chung cư Thái Bình Plaza (quận 2) có tổng diện tích 14.000m2 với năm block cao 20 tầng (chưa kể tầng hầm) thành bệnh viện đa khoa quốc tế 500 giường.

Lý giải vì sao tiến độ chuyển đổi sang nhà ở xã hội chậm, ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc sở Xây dựng, cho biết hầu hết các dự án trước khi nộp hồ sơ xin chuyển làm nhà ở xã hội đều đã chia tách căn hộ lớn làm căn hộ nhỏ làm tăng dân số, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Do đó, việc chuyển đổi không chỉ bằng một quyết định hành chính, mà phải trên tổng thể các giải pháp để khả thi, không làm tăng dân số cục bộ, cũng như không đẩy phần tồn kho từ dự án thương mại sang phần tồn kho của dự án nhà ở xã hội.

TP.HCM đề xuất với ban chỉ đạo kiến nghị Chính phủ cho vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đối với căn hộ có diện tích trên 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; phần diện tích vượt sẽ tính lãi suất bình thường.Thành phố cũng kiến nghị miễn 100% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội; giảm thuế VAT đối với người mua nhà lần đầu…
 
Theo ông Phạm Trung Tuyến, trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, tiến độ thực hiện của TP.HCM so với Hà Nội là chậm, còn theo ông Trần Đình Cường, phó giám đốc ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM, đến ngày 15.10, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng mới tiếp cận được 179 khách hàng cá nhân với số tiền 103 tỉ đồng, hiện đã giải ngân được 31 tỉ đồng; chưa có doanh nghiệp nào được vay.

Tác giả: Vũ Nguyên

Nhiều địa phương muốn siết đầu tư khách sạn nhỏ


 Một khách sạn ở Hội An - Ảnh: Đào Loan

Sau một thời gian phát triển nhanh các khách sạn, resort, một số địa phương bắt đầu tính toán, quy hoạch lại hệ thống cơ sở lưu trú phù hợp với đặc thù phát triển du lịch của từng nơi. 

Một vài địa phương không muốn xây nhiều khách sạn, resort loại nhỏ do muốn có những dự án khách sạn lớn để có thể cung cấp được thêm dịch vụ cho du khách và tăng chất lượng dịch vụ.

Tại tỉnh Bình Thuận, khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, nơi được mệnh danh là "thủ phủ resort", không còn đất ven biển cho nhà đầu tư. Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, không chỉ những vùng đất ven biển thích hợp để xây dựng các resort kín chủ mà nhà đầu tư cũng xây dựng nhiều khách sạn, nhà nghỉ nhỏ trong thành phố. Vì thế, những địa phương này đã chọn lọc dự án hơn.

Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết Bình Thuận hiện có 10.000 phòng. Số phòng này không thiếu để phục vụ khách nhưng cái thiếu là những khách sạn đủ phòng để đón những đoàn khách lớn nên thường đoàn cỡ 200 khách là phải ở những khách sạn khác nhau.

Ông Chính nói thêm rằng Bình Thuận còn thiếu những dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao nên ngành du lịch tỉnh này muốn thay đổi việc đầu tư.

Trước đây tỉnh chấp nhận những dự án xây resort trên diện tích chỉ từ 1 - 2 héc ta thì nay diện tích phải là 5 héc ta trở lên. Tỉnh ủng hộ và có nhiều chính sách ưu đãi cho những dự án lớn, xây dựng những khu phức hợp vui chơi, giải trí và lưu trú như dự án Delta Valley rộng 1.000 héc ta hiện đang trong quá trình xây dựng tại đây.

"Chúng tôi cho rằng xây dựng khách sạn, resort phải định hướng rõ xây cho ai, thị trường nào, nhu cầu ra sao để phát huy hiệu quả. Hiện nay, chúng tôi không muốn phát triển những cơ sở lưu trú nhỏ", ông nói.

Hiện tỉnh Bình Thuận cũng có chủ trương khuyến khích những resort nhỏ sáp nhập để tạo nên các cơ sở lưu trú lớn hơn và phát triển những dự án lớn kéo ra khu vực Hàm Thuận Nam, La Gi.

"Đã có một resort ở Mũi Né mua lại một resort khác ở gần đó để tạo nên một khu lớn hơn. Tỉnh ủng hộ việc này và có một số chủ trương ưu đãi cho nhà đầu tư", ông Chính nói.

Đà Nẵng hiện có đến 300 khách sạn từ 1- 2 sao, và số khách sạn từ 3-5 sao chỉ vào khoảng hơn 50 khách sạn. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ tiêu chuẩn từ 3- 5 sao tăng trưởng đều đặn. Trong khi đó, tình hình kinh doanh ở phân khúc từ 1-2 sao không tốt, chỉ có khách ở một số thời điểm cao điểm du lịch và thừa phòng.

Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, cho biết những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thấy khách du lịch đến nhiều nên đã xây rất nhiều khách sạn từ 1- 2 sao làm số khách sạn loại này tăng vọt. Nhưng nhu cầu sử dụng phòng tiêu chuẩn thấp lại không cao nên hiện nay cung đã vượt cầu. Sở cho rằng cần phải có những khuyến cáo để nhà đầu tư biết tình hình hiện tại để tính toán phương thức đầu tư hiệu quả.

Hồi tuần trước, UBND thành phố Hội An đã có thông báo về việc một số khu vực ở thành phố đã hết chỉ tiêu xây dựng cơ sở lưu trú nên ngừng tiếp nhận hồ sơ xin phép kinh doanh loại hình dịch vụ này. Theo đó, nhiều tuyến đường ở khối An Hội, phường Minh Anh, đường Trần Nhân Tông... không cấp phép cho loại hình dịch vụ homestay (khách du lịch lưu trú tại nhà dân); các khối phố Thanh Tây, Thanh Nam, đường Nguyễn Du - Ngọc Thành, Hùng Vương... không còn chỗ cho loại hình biệt thự du lịch và nhiều tuyến khác như đường Nguyễn Du - Ngọc Thành, khối 2-3 Ngọc Thành... sẽ không cấp phép thêm cho dự án xây khách sạn.

Tính đến nay, Hội An đã có 134 cơ sở lưu trú các loại với 3.906 phòng, trong đó 61 nhà dân tham gia loại hình homestay. Bình quân mỗi ngày, đô thị cổ Hội An đón khoảng 2.000 lượt khách tham quan, trong đó nhiều khách không nghỉ tại các cơ sở lưu trú tại đây.

Cần thêm khách sạn từ 3 - 5 sao
Trong lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa... đang tăng trưởng rất nhanh về số lượng khách sạn có chất lượng cao nhưng nhiều vùng du lịch trọng điểm khác vẫn thiếu nên cần đầu tư thêm. Ngành du lịch vẫn cần thêm nhiều khách sạn và muốn kêu gọi nhà đầu tư xây dựng những khách sạn từ 3-5 sao tại những vùng du lịch trọng điểm như Phú Quốc, khu vực miền Trung... Vào năm ngoái, công suất phòng bình quân của hệ thống khách sạn trên cả nước đạt khoảng 58%.

Tác giả: Đào Loan

Cả ngàn dân bị om trăm tỷ phí bảo trì chung cư


Sky City, dự án hiếm hoi đòi được một phần quỹ bảo trì.

Số tiền phí bảo trì chung cư 2% giá trị căn hộ mà khách hàng đã đóng cho chủ đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hộ dân sống tại các khu chung cư đang bức xúc vì số tiền hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì này không được chủ đầu tư chuyển lại cho ban quản trị (BQT) theo quy định.

Điều 20 Quyết định 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng đã nêu rõ, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi phí bảo trì cho từng nhà chung cư tại ngân hàng thương mại, với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn kể từ khi đưa chung cư vào sử dụng. 

Tiền lãi phát sinh hàng tháng được gộp vào tiền gốc để phát triển quỹ. Quỹ bảo trì này sẽ sử dụng khi chung cư hết thời hạn bảo hành, dùng để sửa chữa khi phát sinh các hư hỏng, sự cố liên quan đến bảo trì phần sở hữu chung của chung cư.

Tuy nhiên, sau hơn nhiều năm triển khai, thực tế không diễn ra như vậy, nhất là việc ai quản lý quỹ bảo trì chung cư lại chưa rõ ràng.

Quỹ bảo trì cho một tòa nhà chung cư lên đến 2% giá trị các căn hộ được bán, nên là số tiền không hề nhỏ. Đơn cử, tại khu căn hộ Keangnam, theo tính toán của BQT tại đây, tổng số diện tích sàn căn hộ và thương mại của toà nhà khoảng 150.000 m2 và giá bán căn hộ là 2.800 USD/m2 thì phí bảo trì mà chủ đầu tư đã thu lên tới khoảng từ 190 đến 210 tỷ đồng.

Tại khu căn hộ The Manor, BQT đã thành lập nhiều năm nhưng chưa hề nhận được tiền bảo trì từ chủ đầu tư. Bà Nguyễn Nhung Hạnh, Tổ trưởng dân phố số 3, khu căn hộ The Manor bức xúc cho biết, chủ đầu tư là Công ty Bitexco đã phớt lờ các kiến nghị của cư dân. Một hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhưng lại do cả cư dân và chủ đầu tư cùng quản lý dẫn đến nhiều vướng mắc này sinh.

Hiện có nhiều toà nhà chung cư tại TP.HCM và Hà Nội vẫn chưa thành lập BQT. Vì thế, kinh phí bảo trì các chung cư này do cư dân đóng góp vẫn do chủ đầu tư quản lý và sử dụng.

“Thả gà ra đuổi”

Nhiều đại diện BQT nhà chung cư  cho rằng, không dễ đòi chủ đầu tư nộp các khoản này, nhất là khi chủ đầu tư lần lữa không muốn chuyển giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị quản lý.

Bà Trịnh Thúy Mai, đại diện BQT khu căn hộ Keangnam cho biết: “Nộp tiền cho chủ đầu tư, rồi chờ họ chuyển cho BQT quản lý rất khó khăn, chẳng khác nào thả gà ra đuổi”.

Khi cư dân yêu cầu chủ đầu tư trả số tiền này về cho BQT để phục vụ cho việc bảo trì nhà, Keangnam Vina luôn tìm mọi lý do lẩn tránh, trì hoãn hoặc trả lời rất vòng vo, khó hiểu. Và cho đến nay, gần 200 tỷ đồng này đã đi đâu, được chủ đầu tư chi dùng vào việc gì cư dân hoàn toàn không biết. Công ty Keangnam Vina cho rằng, do cần phải báo cáo “Công ty mẹ”, nên chưa thể thực hiện được yêu cầu này. 

Bà Mai cho hay: “Muốn kiện ra Tòa, với số tiền 200 tỷ đồng, thì án phí không hề nhỏ, và tiền đâu để đóng, trong khi Ban quản trị chỉ là một nhóm người do cư dân bầu ra”. Theo bà Mai, có thể thấy BQT tòa nhà gần như đã bất lực trước sự chây ì của chủ đầu tư. Bởi lẽ luật đề ra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì rất rõ ràng, nhưng lại không có chế tài cụ thể xử lý chủ đầu tư nên chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tìm mọi cách chiếm dụng. 

“Nhà nước cần quy định rõ một cơ quan hay ngân hàng đứng ra thu khoản này rồi sau đó bàn giao lại cho Ban quản trị”, bà Mai đề xuất.

Cùng với Keangnam, hàng loạt chung cư khác trên địa bàn TP Hà Nội như The Manor, Sky City, Golden Westlake, Golden Palace,... cũng đang phải đấu tranh để“đòi” phí bảo trì cho tòa nhà. Đại diện các Ban quản trị nhà chung cư The Manor, Golden Westlake cũng trả lời tương tự, Chủ đầu tư đã chiếm dụng tiền bảo trì nhà chung cư mà không “hoàn trả” lại cho Ban quản trị quản lý theo qui định.

Tại khu căn hộ Sky City 88 Láng Hạ, sau nhiều kiến nghị, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hanotex đã tạm chi một phần tiền phí bảo trì cho BQT. Tuy nhiên, theo anh Đặng Trọng Hiến, đại diện BQT, ước tính chủ đầu tư vẫn đang giữ của của cư dân số tiền bảo trì lên tới khoảng 15 tỷ đồng. “Chúng tôi cần sự minh bạch và đã đề nghị quyết toán, làm rõ số tiền bảo trì nhưng chủ đầu tư không chịu thực hiện”, anh Hiến nói.

Bất bình với việc đòi nhiều lần phí bảo trì chung cư nhưng chủ đầu tư không chịu trả, đại diện Ban quản trị và tổ dân phố chung cư Keangnam, The Manor, Sky City, Golden Westlake, Golden Palace... đã cùng ký bản kiến nghị tập thể gửi đến các cơ quan chức năng.

Theo ý kiến của liên minh này, Nhà nước nên đứng ra thu tiền phí bảo trì, sau đó giao lại cho BQT tòa nhà hoặc sẽ thu phí bảo trì sau khi hết thời hạn bảo hành của tòa nhà, đồng thời có những chế tài chặt chẽ hơn để buộc chủ đầu tư phải bàn giao lại số tiền này. Bởi lẽ nếu cứ tiếp diễn tình trạng như hiện nay, không biết bao giờ cư dân mới có thể đòi được số tiền không nhỏ mà mình đã bỏ ra.

Luật sư Bùi Quang Hưng cho biết, đây là khoản tiền rất lớn, nếu để chủ đầu tư cầm thì họ sẽ có lợi lớn, nên họ cố tình làm khó dễ. Về mặt pháp lý, khi thành lập được Ban quản trị mà chủ đầu tư không chịu bàn giao số tiền bảo trì chung cư thì Ban quản trị chung cư có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu chủ đầu tư bàn giao số tiền bảo trì chung cư cùng với số tiền lãi tương ứng với việc chậm trả của chủ đầu tư theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Tác giả: D.Anh

Căn hộ dưới 1 tỷ đồng hút khách


Những dự án có giá bình dân, đang hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao nhà được nhiều người quan tâm, lựa chọn. Ảnh: Nguyễn Lê

Căn hộ có giá dao động từ 700 – 1,2 tỷ đồng/căn đang hút khách. “Khẩu vị” của khách hàng hiện tập trung vào loại diện tích từ 50m2 đến 90m2, đã và đang hoàn thiện.

Theo khảo sát của PV, khá nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản hiện đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như: chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu, nội thất hoàn thiện trong nước để giảm giá thành, bán hạ giá để cắt lỗ, khuyến mại… nhằm cung cấp các sản phẩm căn hộ phù hợp với số đông người mua có nhu cầu ở thực và khả năng thanh toán của khách hàng.

Cụ thể, một số dự án ở Hà Nội đã điều chỉnh diện tích lớn xuống các mức diện tích trung bình chỉ khoảng 55-70-90 m2 ở khu vực Hà Đông. Những dự án khu vực này hiện có giá bán khá hợp lý từ trên 12- 15 triệu đồng/m2.

Tại khu vực Đan Phượng thậm chí còn có dự án ở phân khúc căn hộ chung cư cho những người có thu nhập trung bình chỉ chào bán với giá từ trên 11 triệu đồng/m2. Tính ra, căn hộ có diện tích khoảng 70m2, cũng chỉ khoảng hơn 700 triệu đồng. Dự án hiện đang hoàn thiện để bàn giao nhà và linh hoạt về các loại diện tích nên dễ dàng để người dân có thể lựa chọn phù hợp với nhu cầu, khả năng.

Theo thông tin tại một số sàn giao dịch BĐS, ngoài câu chuyện về giá cả, vị trí thì khách hàng hiện rất quan tâm đến những dự án nằm trong khu vực hạ tầng kỹ thuật, xã hội phát triển ổn định, kèm theo đó là những dịch vụ, tiện ích cũng phải có sẵn.

Nhiều sàn BĐS cũng không quá ngạc nhiên khi phân khúc căn hộ trung bình có giá “mềm” lại được nhiều người mua nhà quan tâm, lựa chọn lúc này, bởi lẽ phân khúc nhà cao cấp ế ẩm vì giá cao, vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Còn căn hộ có diện tích nhỏ hoặc vừa phải, giá chỉ khoảng trên dưới 1 tỷ đồng phù hợp với nhiều người có nhu cầu thực mua để ở.

Ông Nguyễn Viết Hải, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư VIC – Sàn giao dịch BĐS Vicland cho biết: Căn hộ có giá dao động từ 700 – 1,2 tỷ đồng/căn đang rất hút khách. “Khẩu vị” của khách hàng hiện nay đã có sự thay đổi ngay trong cách lựa chọn diện tích, từ trên 50m2 đến 90m2 là loại diện tích được nhiều khách hàng lựa chọn.

Tại Sàn Vicland, ông Hải cho hay, những căn hộ thuộc các dự án thi công gần xong, đang hoặc chuẩn bị bàn giao nhà nằm ở khu vực quận Hà Đông (Hà Nội) cũng được nhiều người có nhu cầu quan tâm.

Nhận định về thị trường từ này đến cuối năm, ông Hải cho rằng những sản phẩm có chất lượng, tiến độ đảm bảo, pháp lý an toàn… sẽ được người mua lựa chọn nhiều hơn trong dịp cuối năm.

Quan sát trên thị trường, một số dự án có giao dịch khá “sôi” hiện nay đều là những dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và tiến hành bàn giao nhà như: Times City, Nam Đô Complex...

Theo nhận định của những người trong nghề, giai đoạn “đang bàn giao” là giai đoạn mà người mua và người bán dễ gặp nhau nhất. Bởi lẽ, những nhà đầu tư “ôm” hàng từ lâu thì nay cũng đã kiệt sức với số tiền đóng theo tiến độ tới 70%, còn những người có nhu cầu mua để ở sẽ nắm bắt cơ hội sang tên chính chủ trước khi hoàn tất thủ tục.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, chỉ trong tháng 9/2013 giá trị hàng tồn kho bất động sản giảm 4.206 tỷ đồng còn gần 102.000 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng tồn kho trong quý 3/2013 giảm được hơn 26.600 tỷ đồng, trong khi so với thời điểm tháng 3/2013 giá trị hàng tồn vẫn ở mức 128.549 tỷ đồng. Do đó, khi phân khúc căn hộ bình dân có nhiều khách hàng quan tâm thì sẽ có nhiều giao dịch, điều này đã và sẽ tiếp tục giúp thị trường “đẩy” được lượng hàng tồn kho trong tương lai.

Tác giả: Minh Thư

Tương lai mờ mịt của những khu tập thể cũ nát nhất Hà Nội

Người dân ở các khu tập thể xây cách đây nửa thế kỷ chịu cảnh nhiều thế hệ sống chung trong diện tích nhỏ hẹp, cầu thang tối om... Nhiều khu đã phá dỡ nhưng chưa biết bao giờ được xây dựng lại.

 Được xây dựng từ những năm 1960-1970, nhiều khu tập thể cũ của Hà Nội ngày càng xuống cấp. Diện tích ở chật hẹp, số nhân khẩu tăng lên khiến nhiều gia đình phải cơi nới, xây thêm các "chuồng cọp" tạm bợ.
Do các khu dân cư hay mất nước nên các hộ tự cứu mình bằng cách trữ nước ở những bình inox lớn treo ngổn ngang trên tầng  thượng hoặc mặt tiền của các tòa nhà.
Sau gần 50 năm sử dụng, khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) xuống cấp. Lối vào cầu thang của nhà H4 ẩm mốc, không ánh sáng cũng chẳng có đèn điện, ban ngày cũng tối như ban đêm.
Căn hộ rộng chừng 20 m2 của gia đình anh Nguyễn Hồng Lam nằm trên tầng 2. Do có 6 người thuộc 4 thế hệ sống chung nên anh Lam đã cơi nới thêm "chuồng cọp" hơn 10m2, nhưng nhà vẫn quá chật chội.
Ông nội của anh Lam đã ngoài 80 tuổi, già yếu, bệnh tật nhưng quanh năm phải làm bạn với chiếc giường chất đầy đồ đạc, chỉ chừa một khoảng vừa đủ nằm.
 Trần nhà lại thấp nên anh phải dán cảnh báo để khách tránh đụng phải quạt trần.
 Không chỉ chật chội, một số khu tập thể cũ còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Tại khu C8 Thành Công (quận Ba Đình), tình trạng sụt lún, nứt vỡ tường, trần khiến chính quyền phải lắp khung sắt để gia cố, chống đỡ.
 Hà Nội đã rà soát hơn 1.000 nhà tập thể cũ và lọc ra 11 khu nhà xếp vào loại nguy hiểm cấp D, buộc phải di dời để cải tạo xây dựng lại. Một số khu tập thể cũ nát trở thành nhà hoang sau khi người dân dời đi. Khu tập thể 148-150 Sơn Tây (quận Ba Đình) từng có hơn 10 gia đình sinh sống, nay trở thành nhà hoang rêu phủ.
x Sau 4 năm người dân di dời đi tạm cư, khu nhà tập thể 148-150 Sơn Tây vẫn đang được phá dở, hoang tàn. Người dân sinh sống xung quanh phản ánh, đây còn là nơi có nhiều đối tượng nghiệp ngập đến chích hút, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu vực.
 Dự án xây mới khu C1 Thành Công (một trong số 11 khu nhà nguy hiểm cấp D) vẫn án binh bất động sau 5 năm giải phóng mặt bằng. Các dự án xây dựng lại nhà tập thể cũ cũng chịu tình cảnh chung của thị trường bất động sản: thiếu tiền để thi công hoặc có nguy cơ lỗ vì giá bất động sản giảm mạnh.
 Cảnh hoang vắng ngay tại khu đất vàng, nơi trước kia là khu tập thể B6 Giảng Võ. Bên trái là tường quây dự án xây dựng lại nhà B6, bên phải là khu nhà dành cho công nhân. Sau hơn 6 năm di dời, người dân vẫn chưa thể biết đến bao giờ mới được quay về tái định cư trong tòa nhà mới.